29/09/2020 10:18  
Các lực lượng của Armenia và Azerbaijan hôm qua tiếp tục đụng độ dữ dội tại vùng Nagorno - Karabakh ngày thứ 2 liên tiếp, gây lo ngại bất ổn tái bùng phát tại vùng Caucasus giữa 2 nước vốn căng thẳng kéo dài từ hơn 3 thập niên. Theo Reuters, xung đột nổ ra từ ngày 27.9 tại khu vực tranh chấp, với nhiều xe tăng, pháo và máy bay được huy động vào cuộc chiến, dẫn đến nguy cơ tái diễn chiến tranh khốc liệt giữa 2 quốc gia từng thuộc Liên Xô.

Nguồn cơn mâu thuẫn

Theo Đài Al Jazeera, tâm điểm của mâu thuẫn là Nagorno - Karabakh, vùng đất rộng khoảng 4.400 km2 với phần lớn người Armenia thiểu số, do chính quyền Xô viết sáp nhập thành vùng tự trị thuộc Azerbaijan vào năm 1921. Dần dần, vùng này có xu hướng đặt dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền Azerbaijan, điều mà người thiểu số Armenia tại đây không chấp nhận.
Vào năm 1988, cơ quan lập pháp Nagorno - Karabakh bỏ phiếu về việc sáp nhập vào Armenia, khiến chính quyền Azerbaijan và Moscow cực lực phản đối. Từ đó, phong trào ly khai tại Nagorno - Karabakh ngày càng lớn dần, cuốn Armenia và Azerbaijan vào cuộc chiến quy mô lớn khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người phải sơ tán.
Dù đạt thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1994 dưới sự hòa giải của các nước Nga, Mỹ và Pháp, tiến trình hòa đàm vẫn bế tắc và các vụ đụng độ thường xuyên xảy ra tại Nagorno - Karabakh và dọc biên giới 2 nước. Đáng chú ý, vào tháng 4.2016, hai bên đụng độ tại Nagorno - Karabakh khiến khoảng 110 người thiệt mạng và là xung đột khốc liệt nhất sau thỏa thuận ngừng bắn. Một vụ đụng độ khác vừa xảy ra vào tháng 7 khiến ít nhất 17 binh sĩ thuộc 2 bên thiệt mạng.

Bất ổn của 2 láng giềng

Kể từ năm 2008, Armenia và Azerbaijan đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để tìm hướng giải quyết vấn đề liên quan đến Nagorno - Karabakh. Tuy nhiên, 2 bên vẫn chưa tìm được giải pháp do đều coi vùng lãnh thổ này thuộc chủ quyền và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.
Armenia, quốc gia theo Kito giáo từ thế kỷ thứ 4, đã trải qua nhiều bất ổn về chính trị và kinh tế kể từ khi độc lập. Giới lãnh đạo từ thời Xô viết bị cáo buộc đàn áp phe đối lập và sửa đổi kết quả bầu cử. Vào năm 2018, biểu tình rầm rộ giúp đưa đương kim Thủ tướng Nikol Pashinyan lên nắm quyền. Trong khi đó, Azerbaijan là quốc gia phần đông theo đạo Hồi và do cựu sĩ quan Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) là Heydar Aliyev làm tổng thống từ năm 1993. Ông trao quyền cho con trai là đương kim Tổng thống Ilham Aliyev vào 2003, chỉ vài tuần trước khi qua đời.
Đến năm 2017, ông Ilham bổ nhiệm phu nhân là bà Mehriban Aliyeva làm phó tổng thống thứ nhất. Azerbaijan là quốc gia giàu dầu mỏ và nhờ vào liên minh, nước này từng nhiều lần được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ về việc kiểm soát vùng Nagorno - Karabakh. Trong khi đó, Armenia lại mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vụ tàn sát khoảng 1,5 triệu người Armenia bởi đế chế Ottoman trong Thế chiến 1.
Nga đến nay duy trì mối quan hệ gần gũi với Armenia và là trung gian hòa giải chính trong khu vực. Nga còn đứng đầu liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), trong đó có Armenia. Căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan luôn là tâm điểm trong khu vực và trên thế giới còn do nơi đây là hành lang của các đường ống dẫn dầu khí đến các thị trường trên thế giới. Cách khu vực xung đột hôm 27.9 chưa đến 50 km là đường ống dẫn dầu từ Baku (Azerbaijan) đến Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ), với lưu lượng lên đến 1,2 triệu thùng/ngày.

Nguồn tin: thanhnien.vn


lãnh đạo   Reuters   Thủ tướng   căng thẳng   lãnh đạo   lãnh đạo