28/09/2020 19:42  
Cơ sở thẩm mỹ có nhiều loại hình, trong đó làm xâm lấn được phép thủ thuật, tiêm truyền... là loại hình có điều kiện, được Sở Y tế cấp phép hoạt động và người thực hiện các kỹ thuật này phải có chứng chỉ hành nghề. Loại hình này số lượng hạn chế vì điều kiện cấp phép nghiêm ngặt.
Loại hình thứ hai, số lượng nhiều vô kể mà “nhà nhà”, “người người” đều có thể làm được là spa, thẩm mỹ viện với hình thức chuyên chăm sóc da. Có nơi treo biển hiệu, có nơi làm luôn trong nhà, chung cư mình ở mà chẳng có biển hiệu gì. Loại hình này nay biến tướng; xây dựng phòng mổ, mua thuốc, vật tư y tế... để làm thủ thuật xâm lấn, tiêm truyền. Người thực hiện kỹ thuật hoặc tay ngang đã học lỏm đâu đó hoặc câu kết với một nhân viên y tế về làm “chui”, dẫn đến hậu quả khôn lường. Thực tế, những kỹ thuật nâng mũi, cắt mí, hút mỡ... với bác sĩ có tay nghề, làm trong cơ sở y tế được cấp phép đôi khi còn gặp biến chứng chết người huống hồ là “tay ngang”.
Đáng nói, nay xuất hiện hình thức xưng “bác sĩ” đến tận nhà nâng mũi, cắt mí... trái phép. Đã có ca tử vong, biến chứng nguy kịch khi làm đẹp bởi bác sĩ dùng bằng cấp giả; nhiều ca mù mắt, hư mũi... ở spa, thẩm mỹ viện mà báo chí thông tin, cơ quan quản lý đã cảnh báo. Thế nhưng, nhiều người vẫn xem nhẹ.
Khi mạng xã hội phát triển, việc quảng cáo làm đẹp quá chức năng, quảng cáo “láo” nở rộ. Những người cố tình lừa dối, chỉ cần khoác chiếc áo blouse, đeo cái ống nghe và “lòe” cái bằng bác sĩ “rởm” đưa lên mạng xã hội và “nhồi” ít comment tung hô là lập tức trở nên “nổi tiếng, uy tín”...
Bài học đã nhiều, cho nên cơ quan quản lý cần có chế tài thật nghiêm người ham tiền bất chấp pháp luật, đạo đức mở dịch vụ làm đẹp “chui”. Người dân cũng nên tỉnh táo trước những lời quảng cáo có cánh, để không “tiền mất, tật mang”, ân hận cả đời.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Bài học   dịch vụ   phát triển