Ngày 29/9, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có công điện yêu cầu Công ty thủy điện Hòa Bình mở một cửa đáy để đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du.
Yêu cầu được đưa ra trong bối cảnh mưa lũ từ thượng nguồn đổ về tuần qua khiến mực nước hồ Hòa Bình lên 116,69 m (xấp xỉ mực nước cho phép 117 m) lúc 11h trưa 29/9. Trong khi đó, mực nước hồ Sơn La (nằm ở đầu nguồn) là 215,67 m, cao hơn mức cho phép 0,67 m. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội là 3,74 m.
Cơ quan khí tượng dự báo từ ngày 5/10 sẽ xuất hiện không khí lạnh và gây mưa liên tục ở miền Bắc, lượng mưa phổ biến 50-100 mm, một số nơi có thể lên tới 250 mm trong hai ngày. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ xem xét có thể tiếp tục mở thêm cửa xả đáy của các hồ Sơn La, Hòa Bình và Thác Bà.
Các tỉnh, thành hạ du thủy điện Hòa Bình được yêu cầu thông báo đến người dân, tổ chức hoạt động trên sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản biết thông tin; rà soát phương án chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du. Trong đó, thành phố Hòa Bình cần rà soát khu vực sạt lở bờ sông tại tổ 26 (phường Đồng Tiến) và các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng ứng phó.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp trên lưu vực sông Hồng, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức họp bàn phương án vận hành liên hồ chứa Sơn La, Hòa Bình và Thác Bà.
Được biết, đây là lần đầu tiên sau 2 năm thủy điện Hòa Bình xả lũ, lần gần nhất vào tháng 9/2018. Cuối mùa lũ năm 2019, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình ở mức thấp nhất trong 32 năm kể từ khi vận hành, chỉ đạt 106,7 m.
Đợt xả lũ lớn nhất của thủy điện Hòa Bình vào tháng 10/2017, hồ phải mở cả 8 cửa xả đáy. Việc này không tác động tới các điểm xung yếu của hệ thống đê điều, nhưng làm 170 tấn cá lồng bè của dân chết, thiệt hại hơn 30 tỷ đồng.
Trần Thanh
Nguồn tin: dantri.com.vn