Đà Nẵng những đêm cách ly vì dịch bệnh Covid-19 khác hẳn với ngày thường. Khi tất cả hàng quán đóng cửa, tắt điện và chìm vào giấc ngủ, thì những người lao công của Công ty Môi trường Đô thị Đà Nẵng, mà nhiều người vẫn gọi với cái tên bình dị là người quét rác lại bắt đầu một ngày làm việc.
Đêm Đà Nẵng thoang thoảng gió biển, chỉ xao xác tiếng gió và tiếng chổi tre. Những ánh đèn đường vàng vọt hắt xuống đổ bóng những người lao công dài trên mặt đường vắng lặng. Có những giọt mồ hôi chảy xuống, những đôi tay chai sần thô ráp của những người lao công. Họ là những người già, những người trẻ, những người đàn ông và phụ nữ che kín khẩu trang và lặc lè bên những chiếc xe rác. Ít người thấy được mặt của họ, và ở những con đường này họ với những hàng cây, những bóng lá đã quen thuộc với nhau biết bao đêm rồi.
Đêm trên cầu Rồng, sương phủ nhẹ xuống biểu tượng của Đà Nẵng, bóng người lao công nhỏ xíu trong không gian bao la của trời đêm, của ánh đèn, của dòng sông Hàn. Dáng chị cần mẫn và lẻ loi, cặm cụi và lặng lẽ, miệt mài và gắng gỏi. Tiếng động duy nhất chỉ là bước chân chị khe khẽ, và tiếng chổi tre loạt xoạt trên đường.
Những ngày cách ly đợt 2 này, Đà Nẵng vắng lắm. Nỗi lo dịch bệnh không chừa một ai. Dịch bệnh khiến mọi người không khỏi ưu tư. Mọi người được khuyến cáo hạn chế ra đường, hạn chế tiếp xúc. Còn những người lao công, vẫn quần quật với công việc. Vì người có thể không ra đường, nhưng rác thì không thể không làm sạch. Những người lao công đêm đêm vẫn thao thức cùng tiếng chổi tre. Chỉ có thêm là những chiếc khẩu trang sẽ dày hơn.
Tôi biết, với những người lao công ấy thu nhập của họ khá ít ỏi. Công việc lại nặng nhọc và chứa nhiều độc hại vì phải tiếp xúc trực tiếp với những mùi xú uế, những loại rác có thể gây thương tích như những mảnh thủy tinh, thanh sắt nhỏ, kim tiêm hay vô vàn thứ khác. Họ chấp nhận với những nguy hiểm đó để làm công việc của mình.
Dịch bệnh chỉ khiến những người lao công cẩn trọng và chu đáo hơn. Để tăng thêm thu nhập, có chăng những người lao công nhặt nhạnh trong giờ làm việc những vỏ lon, bìa giấy... để gom lại bán cho những cửa hàng đồng nát. Thu nhập thêm ấy mỗi ngày cũng chỉ vài ngàn đồng. Đủ mua thức quà sáng cho đứa con lúc trở về nhà sau khi hoàn thành công việc quét rác đêm.
Đêm Đà Nẵng, giữa những vắng lặng của thị thành, giữa những lẻ loi của người quét rác thì vẫn còn đó những tấm lòng, vẫn có những bạn trẻ tình nguyện bất chợt đến thăm. Quà đôi khi chỉ là những chiếc bánh nóng hổi, chai nước hoặc chỉ là những lời thăm hỏi. Thế nhưng chừng ấy thôi cũng đủ để người lao công thêm động lực làm việc.
Mỗi ca làm việc chỉ có 30 phút nghỉ ngơi. Những người lao công ngước mắt nhìn thành phố về đêm, điều mà rất ít người có thể làm được. Những điện đèn hoa lệ, những cây cỏ trở mình, những sương đêm tí tách, tất cả như bản hòa ca cho phố đêm lung linh hơn trong nỗi vất vả của mỗi người.
Tôi theo chân họ thênh thang trên từng cung đường phố biển. Tôi lặng lẽ quan sát, họ lặng lẽ làm việc. Đêm không lời thủ thỉ. Những người lao công có tên có tuổi, nhưng họ ngại ngần không nói, tôi ngại ngần không hỏi. Thì thôi, cứ để những con người lặng lẽ nhưng không vô danh ấy sáng bừng lên từ những điều bình dị, từ công việc bình dị, và từ những đôi mắt bình dị của họ mỗi ngày để mong qua mùa dịch bệnh.
Đêm xuống càng sâu, những tiếng chổi tre của người lao công thảng thốt vang lên giữa không gian cùng tiếng kĩu kịt của những chiếc xe đầy ăm ắp rác lại được đẩy đi trên đường. Những chiếc xe ấy đang chở biết bao số phận con người, trong đó có cả những ước mơ, hoài bão thật giản dị...
Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn