Nhiều năm qua, các công ty đa quốc gia tại Việt Nam liên tục cáo lỗ, tiêu biểu như Coca Cola, Pepsi Co, Lotte Mart, Metro Cash&Carry… Nghịch lý là tuy lỗ nặng, các công ty này vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và đánh bại các doanh nghiệp nội. Nghi vấn chuyển giá đã được đặt ra từ rất sớm và pháp luật Việt Nam đã có ít nhiều thay đổi nhưng dường như vẫn chưa đuổi kịp những chiêu trò của các tập đoàn đa quốc gia. Trong khi các doanh nghiệp nội phải chật vật kinh doanh thì các “con khủng long” này đang khiến ngân sách nhà nước thất thu; đồng thời vẫn thu được rất nhiều lợi ích về phần mình. Vấn đề này tuy không mới nhưng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Chuyển giá (transfer pricing) có thể hiểu là các sử dụng các giao dịch hàng hóa, dịch vụ hay tài sản không theo giá trị trường giữa các công ty có mối liên quan với nhau để làm giảm số thuế phải nộp. Ví dụ như một công ty con tại Việt Nam có giao dịch mua tài sản với công ty mẹ tại nước ngoài thì đây được coi là một khoản chi phí của công ty con và sẽ được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam. Chuyển giá thường được thực hiện ở phạm vi xuyên quốc gia để làm giảm số thuế phải nộp ở những nước có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao.
Một số phương pháp phổ biến của chuyển giá là mua nguyên vật liệu đầu vào với giá cao và bán lại hàng hóa, dịch vụ với giá thấp giữa các công ty có quan hệ liên kết. Những mức giá này không phản ánh giá trị thực của đối tượng giao dịch mà chỉ nhằm làm giảm lợi nhuận được ghi nhận trên báo cáo tài chính để giảm số thuế phải nộp. Một phương pháp khác mà nhiều công ty liên kết sử dụng là cơ cấu vốn vay lớn dẫn đến khoản chi trả lãi vay cao mà nhiều khi tổ chức cho vay cũng có mối quan hệ với công ty mẹ.
Bên cạnh hậu quả nhãn tiền là việc nhà nước thất thu một khoản thuế cực kỳ lớn là sức ép lên các doanh nghiệp nội địa. Đây mới là hậu quả âm thầm và nặng nề nhất mà chuyển giá gây ra cho nền kinh tế một quốc gia. Trong khi các hãng nước giải khát nước ngoài dù cáo lỗ nhưng liên tục chiếm lĩnh thị phần thì các doanh nghiệp nước giải khát trong nước lần lượt “chết yểu”. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu máy móc, dây chuyền sản xuất lạc hậu có khả năng gây ảnh hướng xấu đến môi trường vào công ty con tại Việt Nam nhưng lại kê khai mức giá rất cao.
Chuyển giá ảnh hưởng tới lợi nhuận như thế nào?
Là một quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã phải đối mặt với vấn đề chuyển giá suốt một thời gian dài. Ngày 24/02/2017, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định này đã quy định về các nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định giá các giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết… Theo đó, giao dịch liên kết được định nghĩa là: “giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết”.
Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 20/2017/NĐ-CP thì quan hệ giữa các bên liên kết được xác định như sau:
“a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;
b) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác”.
Nghị định cũng liệt kê chi tiết 10 trường hợp được xem là các bên liên kết dựa trên một số yếu tố như tỷ lệ sở hữu vốn gián tiếp và trực tiếp, bảo lãnh khoản vay dưới bất kỳ hình thức nào hay quyền kiểm soát của ban lãnh đạo.
Chuyển giá khá phổ biến ở rất nhiều quốc gia và tới bây giờ, hữu hiệu nhất vẫn là pháp luật – công cụ ngăn ngừa chuyển giá. Vấn đề cốt lõi vẫn là những quy định chống chuyển giá sẽ được áp dụng một cách hiệu quả trong thực tế như thế nào? Các công ty chuyển giá có tuân thủ những quy định về kê khai các giao dịch liên kết một cách trung thực hay không? Có thể thấy đây vẫn là một cuộc chơi không cân sức giữa các nước với các tập đoàn đa quốc gia.
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không phải ý kiến pháp lý cuối cùng. Nếu Quý Khách hàng có nhu cầu tìm hiểu các quy định pháp luật, xin vui lòng liên hệ email contact@investpush.com
Trân trọng./
Investpush Legal