Lan tỏa tinh thần “Kết nối triệu trái tim”
Ngày 1/10, tại Hà Nội, đã diễn ra chương trình “Kết nối triệu con tim” phát động Chiến dịch thiện nguyện trên nền tảng số iNhandao và ra mắt các nền tảng số trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa.
Sự kiện có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn, các Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy và Lê Xuân Định, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Hệ tri thức Việt số hóa là Đề án không có tiền ngân sách, được triển khai với mong muốn tạo nên một nền tảng để chia sẻ tri thức, cổ vũ sáng tạo, kết nối cộng đồng và hướng tới tương lai.
Nói về thông điệp “Kết nối triệu trái tim”, Phó Thủ tướng dẫn lại lý giải của những người trẻ tham gia chương trình: trước hết là cần một tấm lòng. Nếu một tấm lòng muốn làm việc tốt thì người đó tự khắc tìm tòi ra được giải pháp. Nếu 1 triệu trái tim, 1 triệu tấm lòng kết nối sẽ ra được 1 triệu khối óc và nhất định sẽ có nhiều giải pháp. Và với 1 triệu tấm lòng, 1 triệu khối óc, sẽ ra 1 triệu bàn tay để có thể làm được. “Tôi rất mong rằng tinh thần này tiếp tục được lan tỏa”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, Hệ tri thức Việt số hóa là đề án có mục đích vì cộng đồng, vì tương lai của tất cả người Việt Nam, không của riêng ai. Do đó, Đề án chỉ có thể thành công khi tất cả mọi người cùng tham gia, với tấm lòng của người Việt Nam yêu nước, yêu dân tộc, tự hào dân tộc.
Nền tảng nhân đạo số iNhandao cùng với bản đồ số Vmap là 2 nền tảng số đầu tiên được Đề án Hệ tri thức Việt số hóa cho ra mắt cách đây tròn 1 năm, đã được cộng đồng đón nhận và từng bước ứng dụng trong thực tiễn.
Trong giai đoạn 2 của dự án, nền tảng iNhandao được xây dựng theo mô hình mạng xã hội, khuyến khích người dùng chia sẻ, cập nhật thông tin địa chỉ nhân đạo và các chiến dịch nhân đạo, dù ở bất cứ đâu và ở bất cứ thời điểm nào. Cụ thể, để giới thiệu địa chỉ nhân đạo cần trợ giúp và tham gia trợ giúp, mỗi cá nhân có thể truy cập vào địa chỉ: http://inhandao.vn và thực hiện các bước theo hướng dẫn.
Hệ thống xây dựng dữ liệu địa chỉ nhân đạo nhằm cung cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thông tin đầy đủ và chính xác về những trường hợp cần trợ giúp và chiến dịch nhân đạo.
Việc này nhằm đảm bảo việc trợ giúp đúng đối tượng, đúng nhu cầu, thuận tiện, minh bạch, rõ ràng; tạo sự thay đổi lớn về cách làm, mức độ ảnh hưởng tới xã hội; phát triển ứng dụng kết nối, điều phối công tác nhân đạo trên cả nền tảng web và điện thoại di động. Các "mạnh thường quân" ngoài việc thuận tiện khi tài trợ còn có thể theo dõi hoạt động và kết quả tài trợ của mình trên hệ thống một cách dễ dàng, chi tiết.
Theo Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, “Kết nối triệu con tim” cũng chính là chủ điểm hoạt động của Đề án trong năm nay để kêu gọi tất cả người dân Việt Nam với khả năng và tâm huyết của mình, cùng chung tay góp sức cho hoạt động vì cộng đồng trên nền tảng Hệ tri thức Việt số hóa vì tương lai Việt Nam.
Thêm những “hạt mầm” chia sẻ tri thức, kết nối cộng đồng
Trong chương trình, 3 nền tảng số mới đã được cho ra mắt gồm: bản đồ chung sống an toàn Covid (AntoanCovid.vn), nền tảng giáo dục số (iGiaoduc.vn) và đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (bktt.vn).
Trong đó, iGiaoduc.vn là sản phẩm hợp tác giữa Bộ GD&ĐT, Đề án Hệ tri thức Việt số hóa và các đối tác tài trợ, hỗ trợ với mục tiêu tạo ra nền tảng Kho học liệu số trực tuyến để thu thập, lựa chọn, chia sẻ học liệu số dùng chung phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong nhà trường. Hệ thống cũng cho phép cộng đồng tham gia biên soạn, đóng góp học liệu số lên kho dùng chung.
Dự án đã hoàn thành phần mềm nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu trên địa chỉ igiaoduc.vn và cập nhật gần 5.000 bài giảng e-learning (do giáo viên xây dựng), hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, hệ thống ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm cùng gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông.
Hệ thống cũng tích hợp tài khoản người dùng đặt theo mã định danh từ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; đã cấp tài khoản cho hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước để tham gia đóng góp, chia sẻ và khai thác sử dụng.
Bản đồ chung sống an toàn Covid (AntoanCovid.vn) gồm các tiện ích trên nền tảng bản đồ số Vmap.vn để thể hiện thời gian thực về tình hình an toàn phòng chống dịch của các cơ sở đông người, trước mắt là trường học và cơ sở y tế.
Hằng ngày, những đơn vị này sẽ kiểm tra và cam kết hoàn thành các tác vụ (theo hướng dẫn của Bộ Y tế) về phòng chống dịch, đồng thời cho phép người dân phản hồi nếu phát hiện điểm chưa đúng. Mỗi cơ sở sẽ sử dụng ứng dụng AntoanCovid hàng ngày, thường kỳ để bảo đảm việc giám sát điều kiện an toàn Covid được thực hiện liên tục, minh bạch.
Hệ thống AntoanCovid.vn do các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT phối hợp với Công ty Công nghệ DTT, VietnamPost, Công ty Bác sĩ bên bạn Doctor4u.vn cùng đội thông tin đáp ứng nhanh Covid-19 thực hiện và sẵn sàng triển khai tại các trường học và bệnh viện từ hôm nay (1/10), trước khi mở rộng ra các cơ sở khác.
Dự án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (bktt.vn) do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện nghiên cứu công nghệ FPT phối hợp triển khai trên nền tảng mã nguồn mở. Dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự đóng góp của toàn dân để tạo ra kho tri thức tinh hoa trên môi trường số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vì sự phát triển xã hội số, quốc gia số.
Thời gian tới, FPT sẽ phối hợp cùng Hệ tri thức Việt số hóa, huy động nguồn lực cộng đồng xây dựng và vận hành nền tảng hạ tầng và giải pháp công nghệ và thu hút toàn dân, đặc biệt là giới trí thức, tham gia biên soạn các mục từ trong bộ Bách khoa toàn thư mở khổng lồ này. Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu những nội dung do cộng đồng tham gia biên soạn, chỉnh sửa phù hợp và quyết định việc dùng cho nội dung chính thức của bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam.
Mục tiêu trong giai đoạn đầu của dự án là xây dựng phiên bản đầu tiên đạt 60.000 mục từ chất lượng, được cập nhật định kỳ từ nguyên liệu bản mở bởi ban biên soạn chính thức. Sau khi xuất bản trọn bộ bản in giấy, bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam có thể được đưa lên mạng để người dân tra cứu theo quyết định của nhà nước.
Ba “hạt mầm” về chia sẻ tri thức, kết nối cộng đồng, cổ vũ sáng tạo trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa kể trên được kỳ vọng sau 1 năm nữa cũng sum xuê, phát triển và được nhiều người sử dụng như nền tảng nhân đạo số iNhandao và bản đồ số Vmap.
M.T
Nguồn tin: ictnews.vietnamnet.vn
doanh nghiệp lãnh đạo Covid Covid-19 Hà Nội Mục tiêu Ngân hàng Thủ tướng Trung ương Việt Nam doanh nghiệp giáo dục hợp tác lãnh đạo lãnh đạo phát triển sáng tạo thành công trực tuyến