Sáng nay (1.10), Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá mua vàng miếng 55,2 triệu đồng/lượng và bán ra 55,7 triệu đồng/lượng, tăng thêm 100.000 đồng so với cuối ngày hôm trước; Tập đoàn Doji giảm nhẹ ở chiều mua vào còn 55,2 triệu đồng/lượng nhưng giữ nguyên giá bán ra là 55,6 triệu đồng/lượng… Giao dịch trên thị trường chậm nên chênh lệch giữa giá mua và bán của các công ty kinh doanh vàng vẫn giữ ở mức 400.000 - 500.000 đồng/lượng.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 9 giảm 0,33% so với tháng 8 nhưng tổng cộng vẫn tăng 32,37% so với tháng 12.2019 và tăng 30,33% so với cùng kỳ năm trước. Giá vàng trong nước giảm do biến động theo thế giới khi các nhà đầu tư bán ra chốt lời sau thời gian tăng mạnh. Đồng thời, nền kinh tế Mỹ phục hồi tốt hơn so với các dự đoán sau khi bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và chỉ số đồng USD tăng lên so với các đồng tiền chủ chốt trên thị trường thế giới cũng làm suy yếu vàng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đang đi ngang xoay quanh mức 1.890 - 1.891 USD/ounce. Riêng hợp đồng vàng giao tháng 12 giảm 0,13% xuống 1.893 USD. Theo Reuters, vàng giảm giá vào phiên cuối cùng của tháng 9 khi cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên hỗn loạn của Mỹ đã đẩy các nhà đầu tư tìm đến sự an toàn từ đồng USD. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng lo ngại về dự luật kích thích tiếp theo và sự gia tăng trú ẩn vào đồng bạc xanh khiến kim loại này tiến tới tháng tồi tệ nhất trong gần 4 năm.
Đồng USD tiếp tục tăng, đánh dấu tháng tăng tốt nhất trong hơn một năm qua. Theo ông Phillip Streible, Giám đốc Chiến lược thị trường tại Blue Line Futures (Chicago), bất cứ khi nào chỉ số USD phục hồi, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến giá vàng mà còn ảnh hưởng đến giá bạc và nhiều loại hàng hóa khác...